Đại diện Cục Thuế khẳng định không đưa vào doanh thu tính thuế các khoản tiền liên quan chuyển – nhận giữa các cá nhân không liên quan mua bán hàng hóa, dịch vụ.
Ngày 20/6/2025, báo VnExpress đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Cục Thuế: Không phải khoản tiền nào về tài khoản cũng bị tính thuế”. Nội dung như sau:
Tại buổi phỏng vấn trực tuyến với VnExpress về chính sách thuế với các hộ kinh doanh, một độc giả lo ngại bị tính thuế với các khoản tiền chuyển vào tài khoản. “Với người tiêu dùng bình thường, chẳng hạn tôi được người thân cho tiền cũng tính thuế hay sao?”, người này đặt câu hỏi.
Trả lời nội dung trên, đại diện Cục Thuế khẳng định cơ quan thuế không đưa vào doanh thu tính thuế các khoản tiền chuyển – nhận giữa các cá nhân (như cho – nhận) mà không liên quan đến các giao dịch mua bán hàng hóa, phát sinh nghĩa vụ thuế.
Giao dịch tiền mặt tại một ngân hàng. Ảnh: Giang Huy
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến cuối 2024 cả nước có khoảng 3,6 triệu hộ, cá nhân kinh doanh đang được quản lý thuế. Trong đó, số hộ kinh doanh ổn định là 2,2 triệu hộ. Tổng thuế thu từ khu vực này đạt gần 26.000 tỷ đồng vào năm ngoái.
Các hộ, cá nhân kinh doanh theo hai hình thức, gồm bán hàng trên các kênh trực tuyến (online) hoặc cửa hàng truyền thống. Họ sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng được tính theo tỷ lệ trên doanh thu. Chẳng hạn, hoạt động bán buôn, bán lẻ các loại hàng hóa có mức thuế suất thuế giá trị gia tăng là 1%, thu nhập cá nhân là 0,5%. Việc thực hiện đóng thuế đang theo phương pháp kê khai hoặc thuế khoán.
Thực tế, ngoài trường hợp chuyển khoản không liên quan tới giao dịch mua bán, có nhiều hộ kinh doanh từ chối nhận chuyển khoản để “né hoặc giảm nghĩa vụ thuế”. Gần đây, các hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ đồng mỗi năm thuộc một số ngành nghề (ăn uống, khách sạn, bán lẻ, vận tải hành khách, thẩm mỹ, vui chơi giải trí…) phải sử dụng hóa đơn điện tử qua máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế. Sau chính sách này, nhiều chủ cửa hàng quần áo, mỹ phẩm, đồ ăn, tạp hóa ở Hà Nội và một số địa phương dừng nhận thanh toán chuyển khoản. Một số đơn vị chấp nhận chuyển khoản nhưng thông báo cộng thêm phí thuế, hoặc dặn khách không ghi nội dung giao dịch liên quan đến các chữ “mua bán”, “trả tiền”, “cọc tiền”.
Theo đại diện Cục Thuế, một trong những biện pháp quản lý của cơ quan thuế là quản lý theo dòng tiền, đảm bảo nhận định đúng bản chất của giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ giữa cơ sở kinh doanh và người tiêu dùng. Do đó, ngay cả khi các cơ sở yêu cầu người mua chuyển khoản với các nội dung sai lệch với giao dịch thực tế, chỉ nhận tiền mặt cũng “không thể che giấu được doanh thu”.
Ngành thuế không có quyền truy cập tài khoản ngân hàng để nắm được doanh thu của các cá nhân. Tuy nhiên, theo cơ quan thuế, họ đang quản lý rủi ro với hộ, cá nhân kinh doanh dựa trên cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử, thông tin từ ngân hàng, kho bạc, quản lý thị trường, hải quan… Qua các dữ liệu này, cơ quan thuế hoàn toàn xác định được doanh thu, dòng tiền của cơ sở kinh doanh. Từ đó, họ sẽ xác định đúng, đủ nghĩa vụ thuế của các cơ sở kinh doanh “cố tình” khai thiếu số thuế phải nộp để né, trốn thuế.
Cơ quan thuế khuyên các hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện kê khai, nộp thuế theo đúng quy định để tránh thuộc diện rủi ro, vi phạm pháp luật về thuế dẫn tới bị xử lý truy thu, xử phạt.
Cũng tại buổi giải đáp trực tuyến, một số hộ kinh doanh đặt câu hỏi về việc nhận tiền thanh toán qua tài khoản của người thân. Hiện nay, nhà điều hành không có quy định về việc hộ kinh doanh phải đăng ký tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, theo cơ quan thuế, các hộ kinh doanh nên đăng ký tài khoản ngân hàng để thuận tiện trong giao dịch.
“Hộ kinh doanh đăng ký tài khoản theo tên chính danh sẽ giúp họ dễ quản lý doanh thu, chi phí và các luồng tiền, thể hiện sự chuyên nghiệp và đáng tin cậy với khách hàng, đối tác”, đại diện cơ quan thuế nói.
Trước đó, Tạp chí Người đưa tin đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “9 trường hợp nhận tiền chuyển khoản không phải nộp thuế, người dân ai cũng nên biết”. Cụ thể như sau:
Trong bối cảnh các giao dịch không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến, nhiều người dân không khỏi lo lắng rằng mọi khoản tiền nhận qua tài khoản ngân hàng cá nhân đều có thể bị cơ quan thuế giám sát và truy thu. Tuy nhiên, sự lo ngại này xuất phát từ việc chưa hiểu đúng bản chất của quy định pháp luật.
Theo các chuyên gia thuế, việc xác định một khoản tiền có phải nộp thuế hay không phụ thuộc hoàn toàn vào bản chất của giao dịch đó, chứ không phải mọi dòng tiền vào tài khoản đều bị đánh thuế.
Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Kế toán Thuế Keytas, đã làm rõ những trường hợp phổ biến mà người dân nhận tiền qua tài khoản nhưng không phát sinh nghĩa vụ thuế, nhằm tránh những hiểu lầm và thông tin không chính xác đang lan truyền.
Có 9 trường hợp tài khoản nhận tiền nhưng không phát sinh nghĩa vụ thuế
Trước hết, các giao dịch trong phạm vi cá nhân, gia đình và bạn bè là hoàn toàn không chịu thuế. Những khoản tiền như vay mượn giữa anh chị em, bạn bè, hoặc đơn giản là chồng chuyển tiền sinh hoạt cho vợ đều là các giao dịch dân sự, không làm phát sinh thu nhập tính thuế.
Tương tự, khi một người đã nhận lương từ công ty và hoàn thành nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân (TNCN), phần tiền còn lại sau thuế đó khi chuyển cho người thân sẽ không phải chịu thuế lần thứ hai. Dòng tiền từ nước ngoài gửi về, hay còn gọi là kiều hối, cũng thuộc diện được miễn thuế theo quy định. Chuyên gia cũng lưu ý rằng các khoản tiền này nên được chuyển qua hệ thống ngân hàng chính thức để đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ quy định quản lý ngoại hối.
9 trường hợp tiền vào tài khoản không phải nộp thuế
Giao dịch cá nhân, gia đình: Tiền vay mượn, cho tặng giữa người thân, bạn bè, hoặc vợ chồng chuyển tiền sinh hoạt cho nhau.
Lương đã nộp thuế: Khoản tiền lương sau khi đã nộp thuế TNCN được một người chuyển cho vợ/chồng hoặc người thân.
Kiều hối: Tiền do người thân từ nước ngoài gửi về.
Thu hộ – Chi hộ: Tiền thu từ khách hàng rồi nộp lại cho công ty/chủ cửa hàng (ví dụ: shipper thu tiền COD).
Dịch vụ chuyển/rút tiền hộ: Phần tiền gốc trong giao dịch (thuế chỉ tính trên phí dịch vụ nếu có).
Đáo hạn vay ngân hàng: Tiền nhận được để tất toán một khoản vay cũ rồi chuyển đi ngay.
Lãi từ cho vay cá nhân: Tiền lãi phát sinh từ việc cho vay giữa các cá nhân với nhau (ví dụ: chơi hụi, họ).
Bán bất động sản (đã nộp thuế): Tiền bán nhà, đất khi đã khai báo và nộp thuế đầy đủ trên giá trị giao dịch thực tế.
Lương từ nước ngoài: Lương của bản thân đã được nộp thuế ở nước ngoài, sau đó chuyển về tài khoản cá nhân tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhiều tài khoản cá nhân có dòng tiền ra vào liên tục với vai trò trung gian, và bản chất các khoản tiền này cũng không phải là thu nhập. Điển hình là trường hợp thu hộ – chi hộ, chẳng hạn như shipper nhận tiền COD từ khách hàng hoặc nhân viên cây xăng thu tiền bán hàng rồi nộp lại toàn bộ cho công ty. Để chứng minh đây không phải thu nhập của mình, cá nhân trong trường hợp này nên có giấy ủy quyền từ công ty.
Tương tự, với các dịch vụ chuyển, rút tiền hộ, nếu có phát sinh phí dịch vụ thì nghĩa vụ thuế chỉ tính trên phần phí rất nhỏ đó, còn toàn bộ số tiền gốc chuyển đi không bị tính thuế. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng hoạt động này về pháp lý chỉ dành cho các tổGhi chú:hức tín dụng.
Ảnh minh họa
Trong lĩnh vực tài chính, các khoản tiền liên quan đến đáo hạn vay ngân hàng, khi tiền được chuyển vào để tất toán một khoản vay cũ rồi ngay lập tức được chuyển đi, cũng không phát sinh nghĩa vụ thuế. Ngay cả tiền lãi phát sinh từ việc cho vay giữa các cá nhân với nhau, ví dụ như chơi hụi, họ, cũng không thuộc diện chịu thuế TNCN. Dù vậy, nếu một cá nhân cho công ty vay và nhận lãi, khoản lãi đó sẽ phải chịu thuế 5%.
Trường hợp đặc biệt cần lưu ý là tiền bán bất động sản. Về nguyên tắc, người bán đã nộp thuế TNCN tại thời điểm công chứng hợp đồng. Nếu giá trị giao dịch trên hợp đồng khớp với số tiền thực nhận trong tài khoản, khoản tiền này sẽ không bị tính thuế nữa. Rủi ro chỉ phát sinh khi người bán cố tình khai giá trên hợp đồng thấp hơn giá trị thực tế, khi đó cơ quan thuế có thể truy thu phần thuế chênh lệch.
Việc một khoản tiền vào tài khoản có bị đánh thuế hay không hoàn toàn phụ thuộc vào việc nó có phải là thu nhập chịu thuế hay không. Để tránh những rủi ro và phiền hà không đáng có, người dân nên luôn giữ lại các chứng từ, hợp đồng, hoặc giấy tờ chứng minh nguồn gốc và bản chất của các giao dịch để giải trình khi cần thiết.