Home / Tin Tức 24h / Dự báo về giá vàng sau tuần lập kỷ lục

Dự báo về giá vàng sau tuần lập kỷ lục

Giá vàng trong nước tuần vừa rồi biến động mạnh theo thị trường quốc tế, có thời điểm lập kỷ lục. Tuần tới, giá có thể sẽ giảm.

Báo Dân trí ngày 27/04 đưa thông tin với tiêu đề: “Dự báo về giá vàng sau tuần lập kỷ lục” cùng nội dung như sau:

Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 21/4 đến 26/4, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại 119-121 triệu đồng/lượng (mua – bán). Chênh lệch giữa chiều mua và bán là 2 triệu đồng mỗi lượng.

Kết thúc tuần trước (ngày 20/4), giá vàng được niêm yết tại 112-114 triệu đồng/lượng (mua – bán). Như vậy, sau một tuần, giá vàng miếng tăng 7 triệu đồng ở cả chiều mua và chiều bán. Tuần vừa rồi, có thời điểm giá vàng lên 120-124 triệu đồng/lượng (mua – bán), lập kỷ lục.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn trơn được niêm yết ở mức 114-116,5 triệu đồng/lượng (mua – bán). Chênh lệch giữa 2 chiều mua và bán ở mặt hàng này là 2,5 triệu đồng mỗi lượng.

Tuần vừa rồi, tại thị trường Hà Nội và TPHCM, theo khảo sát của phóng viên Dân trí, vàng miếng xảy ra tình trạng “cháy” hàng, trong khi đó vàng nhẫn được các đơn vị bán tùy thời điểm, thường giới hạn từ 1-2 chỉ mỗi khách hàng.

Giá kim loại quý trong nước biến động mạnh cùng chiều với giá vàng thế giới. Giá vàng quốc tế trải qua một tuần đầy biến động, giảm mạnh sau khi đạt đỉnh lịch sử mới trên 3.400 USD/ounce.

Kết thúc tuần này, giá vàng đạt 3.319 USD/ounce, giảm khoảng 6% so với mức đỉnh từng thiết lập. Quy đổi theo tỷ giá chưa tính thuế, phí, giá vàng thế giới tương đương 103 triệu đồng/lượng.

Việc bán tháo diễn ra trong bối cảnh dữ liệu kinh tế Mỹ mạnh mẽ hơn dự kiến, khiến kỳ vọng lãi suất cao kéo dài hơn. Điều này đã thúc đẩy đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc mạnh lên, làm giảm sức hấp dẫn của vàng vốn không sinh lãi.

Ngoài ra, căng thẳng thương mại hạ nhiệt cùng với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump giảm áp lực lên Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã góp phần vào sự điều chỉnh giá vàng.

Các nhà phân tích cho biết, triển vọng dài hạn của vàng vẫn tích cực do các yếu tố như bất ổn địa chính trị và kỳ vọng nới lỏng tiền tệ trong tương lai, nhưng trong ngắn hạn, kim loại quý này có thể tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh giảm.

Trong cuộc khảo sát với các chuyên gia Phố Wall, 60% dự báo giá sẽ giảm, 20% cho rằng giá sẽ tăng, và 20% còn lại dự đoán giá đi ngang.

Trong khi đó, trong số hơn 1.200 nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia khảo sát trực tuyến của Kitco, khoảng 47% kỳ vọng giá vàng tăng, 36% dự đoán giá giảm và 17% cho rằng thị trường sẽ đi ngang.

Theo Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao tại đơn vị chuyên về môi giới RJO Futures, vàng đang trong giai đoạn điều chỉnh. Ông cho rằng nếu vàng có thể giữ được vùng hỗ trợ quanh 3.300 USD/ounce, xu hướng tăng dài hạn vẫn chưa bị phá vỡ.

Stephen Innes, Giám đốc điều hành tại công ty tư vấn đầu tư SPI Asset Management, cho rằng: “Nếu Fed tăng lãi suất đột ngột hoặc thực hiện các biện pháp chính sách tiền tệ cứng rắn, căng thẳng thương mại tiếp tục hạ nhiệt, đồng USD ổn định trở lại… sẽ làm giảm nhu cầu trú ẩn vào vàng”.

Các nhà đầu tư và chuyên gia thị trường đang theo dõi sát sao các tín hiệu từ các nhà hoạch định chính sách và các sự kiện toàn cầu để đánh giá khả năng giá vàng sẽ tiếp tục tăng hay điều chỉnh trong thời gian tới.

Cùng ngày, báo VnEconomy cũng có bài đăng với tiêu đề: “Trung Quốc ồ ạt mua vàng, đẩy chênh lệch giá với thế giới tăng vọt”. Nội dung được báo đưa như sau:

Nhu cầu đầu tư vàng tăng cao ở Trung Quốc và việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) liên tục mua ròng vàng đã đẩy chênh lệch cao hơn (premium) của giá vàng bán lẻ ở nước này so với giá thế giới lên mức cao nhất trong hơn 1 năm – hãng tin Reuters cho biết. Trong khi đó, giá vàng bán lẻ ở Ấn Độ đang có mức chênh lệch thấp hơn (discount) sâu nhất gần 9 năm so với giá thế giới.

Tuần này, giá vàng bán lẻ ở Ấn Độ thấp hơn tới 80 USD/oz so với giá chính thức. Giá vàng chính thức tại nước này tính bằng giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế cộng thuế nhập khẩu 6% và thuế tiêu thụ 3%. Mức chiết khấu như vậy là sâu nhất kể từ tháng 7/2016. Tuần trước, các tiệm vàng ở Ấn Độ đưa ra mức giá bán lẻ thấp hơn tới 74 USD/oz so với giá quốc tế.

“Doanh số bán trang sức giảm thấp vì giá tăng cao. Người tiêu dùng mua ít hơn bình thường, và các nhà kinh doanh nữ trang trên toàn quốc cảm nhận rõ sự giảm tốc này”, ông Surendra Mehta – thư ký Hiệp hội Vàng và Nữ trang Ấn Độ (IBJA) – nói với Reuters.

Hôm thứ Ba, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới lập kỷ lục mọi thời đại trên 3.500 USD/oz. Giá vàng bán lẻ tại Ấn Độ vào đầu tuần đạt kỷ lục 99.358 rupee (1.167 USD)/10 gram.

Tại Trung Quốc, giá vàng bán lẻ tuần này chênh cao hơn 44-50 USD/oz so với giá vàng giao ngay thế giới, mức chênh cao nhất kể từ tháng 2/2024. Tuần trước, giá vàng bán lẻ ở Trung Quốc cao hơn 15-21 USD/oz so với giá thế giới.

“Phần bù giá vàng ở Trung Quốc đang rất cao. Phản ứng với nhu cầu mạnh ở Trung Quốc, vàng đang dịch chuyển từ nhiều nơi khác trên thế giới tới nuóc này”, ông Joseph Stefans – trưởng giao dịch của công ty MKS PAMP – nhận xét.

Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia tiêu thụ vàng vật chất lớn nhất thế giới, và nhu cầu vàng tại hai nước này có thể ảnh hưởng không nhỏ đến diễn biến giá vàng quốc tế.

Một báo cáo mới đây của ngân hàng Goldman Sachs cho rằng trong tháng 3/2025, PBOC mua 50 tấn vàng dự trữ, lớn hơn nhiều so với con số chính thức mà Trung Quốc công bố.

Đầu tháng 4, PBOC cho biết dự trữ vàng của Trung Quốc ở thời điểm cuối tháng 3 là 73,7 triệu ounce, tăng từ mức 73,61 triệu ounce vào thời điểm cuối tháng 2, đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp nước này mua ròng vàng cho dự trữ quốc gia. Cũng theo PBOC, dự trữ vàng của Trung Quốc ở thời điểm cuối tháng 3 có trị giá 229,6 tỷ USD, tăng từ mức 208,64 tỷ USD vào cuối tháng trước đó.

Tính theo đơn vị tấn, PBOC mua ròng 2,8 tấn vàng trong tháng 3, nâng tổng lượng mua ròng của quý 1 lên 12,8 tấn – theo số liệu chính thức được công bố. Hồi năm 2019, PBOC mua ròng hơn 100 tấn vàng để bổ sung vào dự trữ quốc gia khi quan hệ Mỹ – Trung xấu đi trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump.

Trong một báo cáo hồi trung tuần tháng 4, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết nhu cầu đầu tư vàng của Trung Quốc “tiếp tục bùng nổ trong tháng 3”. Cùng thời điểm, hãng tin Bloomberg cho biết đầu tư vàng Trung Quốc tăng mạnh do căng thẳng thương mại Mỹ – Trung gia tăng và một chương trình thử nghiệm cho phép các công ty bảo hiểm của nước này đầu tư vào vàng nhằm tối ưu hóa việc phân bổ tài sản.

“Dòng vốn chảy vào các quỹ ETF vàng ở Trung Quốc đại lục từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ của nước này cũng mạnh bất thường”, Bloomberg cho biết.

Theo dữ liệu của WGC, các quỹ ETF vàng của Trung Quốc thu hút 772 triệu USD trong tháng 3, nâng tổng lượng tài sản được quản lý lên 14 tỷ USD. Khối lượng vàng mà các quỹ này nắm giữ trong tháng 3 tăng 7,7 tấn, đạt 138 tấn.

Tại các thị trường vàng lớn khác tại khu vực châu Á, chênh lệch giá vàng trong tuần này giữ ở mức thấp.

Tại Hồng Kông, giá vàng bán lẻ tuần này dao động từ ngang bằng đến cao hơn 2 USD/oz so với giá thế giới. Tại Singapore, giá vàng dao động từ ngang bằng đến cao hơn 2,5 USD/oz so với giá quốc tế.

Tại Nhật Bản, giá vàng bán lẻ trong tuần dao động từ thấp hơn 0,25 USD/oz đén cao hơn 1 USD/oz so với giá thế giới.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *