Nhà nghèo, bố mới qua đời, nhưng vì muốn cho nữ sinh tiếp tục đi học, mẹ em đành tạm trích tiền phúng điếu để đóng học phí cho con.

Ngô Thị Hiền (Hà Nam) là tân sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân, có hoàn cảnh gia đình khá ngặt nghèo. Bố em mắc ung thư gan, bệnh chuyển nặng từ năm 2022. Lúc đó, cô bạn vừa tập trung ôn thi HSG quốc gia, vừa phụ chăm sóc bố ở bệnh viện.

Đến giờ, nữ sinh vẫn chưa quên khoảnh khắc nhận tin mình đoạt giải nhất quốc gia môn địa lý. Quá vui mừng, Hiền đã ôm chầm lấy bố giữa bệnh viện, bật khóc. Thế nhưng, căn bệnh quái ác đã khiến sức khỏe bố em suy kiệt, rồi ra đi vào tháng 4 năm nay.

 

 

Con gái nén nỗi nhớ bố trong lòng để tập trung ôn luyện vì chỉ có lúc học mới khiến bạn thôi nghĩ về nỗi đau vừa ập đến trong đời. Hiền bộc bạch: “Lúc ấy mình tự nghĩ không phải đang học cho mình nữa mà học vì bố, học để bố ở trên trời tự hào về mình”.
nu-sinh-ngheo-muon-tien-phung-dieu-cua-bo-di-hoc
Suốt 3 năm cấp 3, Hiền đều là học sinh giỏi, chưa kể còn đạt giải Nhất thi HSG quốc gia môn Địa. Nhờ đó, em giành một suất tuyển thẳng vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Thế nhưng, chi phí để lên Hà Nội học suốt 4 năm là một gánh nặng với gia đình nữ sinh.

Bà Lê Thị Sang là công nhân, lương tháng chỉ hơn 3 triệu. Nếu có tăng ca cũng chỉ lên được 5 triệu, chỉ vừa đủ trang trải chi phí trong nhà. Để con gái nhập học, bà đành vay mượn khắp nơi, nhưng cũng chỉ đủ một nửa.

Hết cách, bà giấu con gái lấy khoản tiền phúng điếu của bố âm thầm góp vào để Hiền kịp đến đăng ký nhập học ở trường. Nữ sinh tâm sự: “Mình tình cờ nghe được câu chuyện này giữa mẹ và anh trai. Khoảnh khắc đó chỉ nghĩ làm sao phải phấn đấu hết sức để không lãng phí một đồng nào. Gắng học để sau này kiếm nhiều tiền hơn trả ‘món nợ’ với bố, sống thật tốt, thay bố lo cho mẹ và gia đình”.

Trước ngày lên Hà Nội nhập học, Ngô Thị Hiền ngồi trước bàn thờ của bố, tự hứa: “Con xin mượn tiền phúng điếu của bố. Con hứa sẽ không để lãng phí bất cứ một đồng nào. Mai này con sẽ kiếm thật nhiều tiền, thay bố lo cho mẹ”.

 

 

Hơn một tháng ở ký túc xá là chừng ấy ngày Hiền ăn mì gói. Cô tân sinh viên dí dỏm bảo kế hoạch chi tiêu cá nhân khá dư dả: “Mỗi bữa ăn dư dả hết 7.000 đồng. Thức ăn “sang chảnh” với mình là gói phở ăn liền. Mỗi ngày ăn hai bữa trưa và tối, nhịn bữa sáng, hôm nào đói quá thì ăn chiếc bánh mì ruốc 5.000 đồng”.
nu-sinh-ngheo-muon-tien-phung-dieu-cua-bo-di-hoc
Nhưng khi thèm cơm quá, Hiền tự thưởng bằng cách dồn tiền lại đi ăn một phần cơm gà giá 35.000 đồng. Cô gái nói một bữa như thế bằng năm bữa ăn hằng ngày cộng lại nên nhiều khi ăn cũng thấy tiêng tiếc nhưng thi thoảng xem như tự thưởng để động viên mình học hành rồi lại quay về với mì gói.

Lên Hà Nội học, Hiền chọn đi xe buýt. Bạn cũng hỏi thăm vài chỗ gần trường tìm việc làm thêm để phụ mẹ tự trang trải tiền sinh hoạt phí. Cô con gái tự biết gánh nặng của mẹ sẽ càng nặng thêm khi con đi học xa nhà. Em cũng đặt quyết tâm phải học thật giỏi, ứng tuyển vào các quỹ học bổng của trường.

Gia cảnh khó khăn, nhưng trên môi cô gái nhỏ luôn lấp ló nụ cười. Khi được hỏi vì sao có thể lạc quan đến vậy, Hiền đáp: “Gặp chuyện buồn, mình nên giấu riêng mình vì không muốn truyền năng lượng xấu đến người khác. Cuộc đời ngắn ngủi lắm, sao phải buồn nhiều, cứ tươi vui, lạc quan mà sống để vượt qua khó khăn”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *