80 người mất mạng vì bệnh dại, tổn thất 1.000 tỉ đồng mỗi năm. Thiệt hại từ việc con người bị chó mèo cắn, cào có thể sẽ cao hơn khi số người tử vong vì bệnh dại đang tăng lên từ đầu năm 2024.

Người dân dắt chó đi dạo trong công viên ở quận 1, TP.HCM nhưng không rọ mõm + Ảnh: Q.ĐỊNH

Dại là bệnh truyền nhiễm có từ rất lâu. Đáng lẽ ra nó phải được khống chế và loại trừ (giống như một số bệnh truyền nhiễm khác). Nhưng không, nó vẫn là hiểm họa luôn rình rập ở nước ta.

Trên 1.000 tỉ đồng và 80 nhân mạng

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, mỗi năm trung bình nước ta có khoảng 500.000 người bị chó mèo tấn công và phải đi điều trị dự phòng bằng vắc xin dại và huyết thanh kháng dại tại các cơ sở y tế. Năm 2023, có tới hơn 677.000 người phải đi điều trị dự phòng.

Cứ lấy con số bình quân là 500.000 người/năm, mỗi người bị chó mèo cắn cần tiêm 5 liều vắc xin dại, mỗi liều vắc xin có giá 400.000 đồng.

  • Trong 10.000 người dân TP.HCM tiêm phòng bệnh dại mỗi tháng có gần 7.500 người bị chó cắn

Như vậy, mỗi người bị chó cắn mất ít nhất 2 triệu đồng để chích ngừa vắc xin dại. Đó là chưa kể chi phí tiêm huyết thanh, điều trị đa chấn thương, thậm chí phẫu thuật…

Làm phép tính đơn giản: 500.000 người nhân 2 triệu đồng, riêng chi phí tiêm ngừa đã đến 1.000 tỉ đồng.

Chó thả rông đã gây thiệt hại kinh tế rất lớn, trong khi tổn thất này có thể phòng trước được.

Giải pháp gốc rễ vẫn là người nuôi chó mèo phải chấp hành quy định pháp luật.

Còn tổn thất nặng nề hơn, đó là khoảng 80 người mất mạng mỗi năm, trong đó có nhiều trẻ em. Bệnh dại khi đã phát bệnh thì tỉ lệ tử vong là 100%.

Vắc xin dại là biện pháp duy nhất cứu người bị chó mèo dại cắn thoát khỏi cái chết. Vắc xin nhanh hơn vi rút dại thì nạn nhân sống, còn vắc xin tiêm chậm hoặc không được tiêm thì nạn nhân tử vong.

“Bất lực” tiêm phòng chó mèo

Hiểm họa bệnh dại đến từ những con chó thả rông không rọ mõm, những con chó mèo không được tiêm phòng. Hay nói đúng hơn, hiểm họa xuất phát từ những người nuôi chó mèo thiếu trách nhiệm.

Theo ông Nguyễn Văn Long – cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), tỉ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó (khoảng 8 triệu con) ở nước ta chỉ đạt khoảng 46%. Đây là con số trên giấy tờ, thực tế còn thấp hơn nhiều vì lượng chó mèo không thống kê được là rất lớn. Trong khi để tạo được miễn dịch phòng dại trên đàn chó ở một khu vực nào đó thì tỉ lệ tiêm phòng phải đạt ít nhất 75%.

Việc tiêm phòng chó ở nhiều nơi rơi vào trạng thái “bất lực”. Đến nay cả nước có 12 tỉnh, thành phố đạt tỉ lệ tiêm phòng chó mèo đảm bảo điều kiện miễn dịch cộng đồng (trên 75% tổng đàn).

Tập quán nuôi thả rông khiến việc tiêm phòng chó gặp nhiều khó khăn, nhất là khu vực miền núi. Có nhà nuôi cả đàn chó, nhưng khi cán bộ thú y đến lại không bắt được con nào để tiêm. Kim tiêm đã bơm sẵn vắc xin, nhưng cán bộ thú y đành hủy bỏ.

Theo Cục Thú y, ở nhiều địa phương, sau khi thực hiện sắp xếp, tinh giản biên chế, lực lượng cán bộ, nhân viên thú y còn lại rất mỏng.

Chi phí chi cho phòng chống bệnh dại rất thấp, thậm chí phụ cấp đi tiêm phòng kém xa số tiền chích ngừa vắc xin dại nếu không may nhân viên thú y bị chó mèo cắn, cào, liếm vào vết thương hở.

Trong số những người bị chó mèo tấn công, có không ít người làm nghề chăm sóc thú cưng ở các tiệm spa thú cưng. Có những con thú cưng được mua đi bán lại, chủ nuôi không rõ lịch sử tiêm phòng, bỏ qua lịch tiêm… cũng là mầm bệnh với chính chủ nuôi và người chăm sóc, chữa bệnh cho thú cưng.

Biển báo cấm chó thả rông ở công viên Thống Nhất, Hà Nội – Ảnh: N.HẠNH

“Thả rông” quản lý chó

Chắc nhiều người chưa quên sự vụ chó dại vào tận trường học tấn công, cắn, cào 14 học sinh và thầy cô giáo ở Trường tiểu học và THCS Dực Yên, huyện Đầm Hà, Quảng Ninh vào ngày 28-2 vừa qua.

Thầy cô giáo và các em học sinh phải đi chích ngừa vắc xin dại và huyết thanh kháng dại khẩn cấp. Tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo huyện Đầm Hà tức tốc tiêm phòng bao phủ vắc xin dại trên đàn chó mèo. Cùng với đó, thành lập các đội bắt chó thả rông, xử lý chó thả rông ở các thôn xã.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *