Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra. Mỗi người đều cần phải có trách nhiệm về lời mình đã nói ra.

Không tranh cãi

Đối mặt với loại người ngang ngược vô lý, lùi một bước là cách để đôi bên cùng yên ổn, cũng là cách để bảo vệ bản thân.

Dù có lấy lý lẽ ra tranh cãi thì cũng chỉ khiến mình phiền lòng, mất hứng. Cuối cùng kẻ đó vẫn coi trời bằng vung, thậm chí gây nên ảnh hưởng không tốt đối với cuộc sống của mình.

Người xưa từng nói: Mười người biết điều cũng không thắng nổi một kẻ ngang ngược. Bởi vậy cần gì phải tranh cãi đúng sai với kẻ ngu dốt?

Có đôi khi giải thích trong tuyệt vọng sẽ khiến bạn nhận ra: Khoảng cách giữa người với người là gần ngay trước mắt lại xa tận chân trời.

Không tranh cãi là biết cách giữ mồm miệng, biết bảo vệ tâm hồn mình. Người nói vô tình, người nghe có ý. Hãy tránh hoạ từ miệng mà ra, đừng gây chuyện thị phi.

Có đôi khi im lặng không nói gì mới là thứ âm thanh có sức tấn công mạnh mẽ nhất. Người không nói sẽ dùng nhiều thời gian để suy ngẫm, để quan sát người khác hơn, có thời gian để làm việc, trở thành một người trong cuộc sáng suốt.

nguoikhon

Bởi vậy hãy khép miệng lại tu tâm, yêu thương lấy bản thân.

Người không tranh giành mới thật sự là người chiến thắng trong cuộc sống. Hãy buông bỏ sự tranh cãi, tránh xa những phiền muộn, trốn khỏi những người, những việc tệ hại. Khi có được sự tự tại, an nhiên, lòng sẽ luôn thấy vui vẻ. Lúc đến tuỳ duyên, lúc đi tuỳ ý.

Không giải thích với người không hiểu mình

Cuộc đời con người kiểu gì cũng sẽ có lúc phải trải qua những lời bịa đặt gièm pha. Trong cuộc sống luôn có những người thích nói xấu sau lưng người khác và càng không thiếu người bị người khác nói xấu sau lưng. Bởi vậy không cần phải giải thích, càng không cần tranh cãi với người khác.

Việc giải thích cũng cần có “vốn”, thay vì lãng phí vốn liếng là thời gian quý báu và sức lực của bản thân vào việc giải thích cho người khác hiểu mình, thà rằng tập trung làm việc mà mình coi trọng, đi con đường mình đã chọn. Chúng ta không cần lãng phí lời nói và thời gian quý báu của mình.

Trên thế giới này, mỗi người chúng ta đều là một bản thể độc nhất vô nhị, là một tia pháo hoa khác biệt, dù chỉ rực rỡ trong một khoảnh khắc cũng chiếu sáng cả một khoảng trời, không cần ép mọi người đều phải hiểu.

Làm người hãy giống như một đoá hoa, dù chẳng ai ngắm cũng nhất định phải nở rộ, chẳng phải vì ai khác mà là vì chính mình, chẳng cần làm món đồ cho người khác thưởng thức, cứ tươi đẹp theo cách của mình.

Trên thế gian này, có những người coi bạn như câu chuyện cổ tích, có những người coi bạn là câu chuyện thần thoại, lại có những người coi bạn là chuyện cười. Cứ để họ nói vậy đi.

Người thật sự ưu tú sẽ chẳng bao giờ bận tâm xem người khác nghĩ gì.

Họ chỉ bận tâm trở thành một bản thể ưu tú nhất, không tìm kiếm cái bóng của mình sau lưng người khác, không hèn mọn tìm kiếm giá trị tồn tại của mình trong mắt của người khác.

Họ sẽ tự mình phấn đấu không ngừng, tự toả ra ánh sáng và sống là chính mình.

Không đòi hỏi quá nhiều

Cuộc đời là một chuyến du lịch cô đơn. Từ đầu đến cuối, trong thế giới của bản thân đều chỉ có mỗi một mình, phải tự mình bước đi, phải tự mình làm việc, phải tự mình hoàn thành ước mơ.

Sinh ra là con người, mỗi chúng ta đều có những điểm khiến người đời ngưỡng mộ nhưng cũng có nhiều điểm còn thiếu sót. Chẳng ai luôn được như ý muốn, cũng chẳng ai sống được dễ dàng hơn kẻ khác.

Trong cuộc sống có quá nhiều phiền muộn và rắc rối. Xưa nay, không phải người khác mang đến lo âu và đau khổ cho chúng ta mà chính thái độ và tâm trạng của chúng ta quyết định việc này.

Nếu như chúng ta đòi hỏi quá nhiều, cuộc sống sẽ càng phiền muộn, nếu như chúng ta quá ganh tị, đố kị, cuộc sống sẽ càng đau khổ.

Thật ra mỗi người chúng ta nên hiểu một điều: Sinh mệnh là của chính ta, cuộc sống cũng là của chính ta. Không cần phải chứng minh cho người khác thấy, càng không cần phải so bì cao thấp với kẻ khác. Đừng lãng phí quá nhiều thời gian vì ánh mắt và lời nói của người khác.

Hãy sống tốt cuộc đời của mình, cứ kệ người ta nói gì thì nói.

Không khoe khoang

Con người đến một độ tuổi nhất định sẽ học được cách không khoe khoang.

Bạn và tôi đều là con người, cuộc sống sẽ không thể luôn luôn tốt đẹp, đừng tùy tiện đắc ý, cho dù ở vị trí nào cũng đều không nên đắc ý mà khoe khoang tới mức vênh váo.

Bạn càng khoe khoang thứ gì thì sẽ càng dễ mất đi thứ ấy. Vào thời điểm bạn bộc lộ tài năng của mình, đó có thể cũng chính là lúc kẻ khác ghen ghét bạn. Kẻ tiểu nhân thường dễ ra tay vào những lúc bạn đắc ý mà mất cảnh giác nhất. Bởi vậy, chúng ta nên học được cách giấu mình, không khoe khoang.

Người đời thường nói: Núi cao còn có núi cao hơn.

Làm người nhớ đừng khoe khoang. Khiêm tốn sẽ giúp bạn bay cao hơn, khiêm nhường sẽ giúp bạn đi xa hơn.

Con người đến một độ tuổi nhất định sẽ học được cách không tranh cãi, thản nhiên hoà nhã nói chuyện, bình tĩnh điềm nhiên chấp nhận, mỉm cười ung dung cho qua.

Làm người cứ lo cho chính mình là đủ, thay vì thao thao bất tuyệt tranh cãi, hãy cứ yên lặng rèn luyện bản thân, cứ lặng lẽ làm tốt việc của mình, hoàn thiện chính mình, đó mới là việc nên làm nhất.

Chuyện không nói có, chuyện có nói không

Một lần nói dối là lỗi của hoàn cảnh, nhiều lần nói dối là lỗi của bản thân. Một khi đã giữ thói nói dối bên mình, cả đời không sửa được. Có những người hễ mở miệng là nói dối, nói dối không chớp mắt, nói dối như một điều hiển nhiên, nói dối đến mức thuận lời, không cần suy nghĩ, đến chính họ còn không cảm nhận được là mình đang nói dối.

Có nhiều loại nói dối: Nói dối với đùa vui, nói dối với mục đích lừa phỉnh, nói dối để khoe khoang, nói dối vì sợ hãi, nói dối để thu lợi bất chính… Có thể chính người nói dối chỉ nghĩ đó là những lời vô thưởng vô phạt không hại đến ai nhưng nói dối đã là điều sai trái với lẽ tự nhiên. Thường tình, điều sai trái với lẽ tự nhiên thì cũng phải chịu ít nhiều tai tiếng, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín bản thân.

Tùy theo mục đích của nói dối mà tạo ra nghiệp tội nặng nhẹ khác nhau. Tuy nhiên, có những trường hợp nói dối với mục đích cứu giúp hoặc bảo vệ tính mạng cho người khác thì không nên coi là “khẩu nghiệp”.

Trong kinh Phật cũng dạy, có 4 kiểu người ở đời chúng ta nên tránh:

1. Hay đổ lỗi cho người khác

2. Hay nói chuyện mê tín, tà kiến

3. Khẩu Phật, tâm xà

4. Làm ít kể lể nhiều

Tây phương có câu: “Trước khi nói phải uống lưỡi bảy lần”. Đã sống trên đời thì nên tạo phúc tạo phần, không nên gây nghiệp.

Hãy ghi nhớ phần miệng là gieo tạo nghiệp nhiều nhất. Học ăn, học nói là học cả đời. Của cải làm ra bao nhiêu cũng hết nhưng những lời tâm ý sẽ trường tồn đời này qua đời khác, giá trị bạn trao đi cũng chính là những gì bạn nhận lại.

Người nói lời cao đẹp, yêu thương thì trong tâm luôn cảm thấy thanh thản, bình an và ngược lại.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *