Năm qua, BIDV giảm hơn 1.100 nhân sự, VIB, ACB và Sacombank cắt giảm hơn 350 người… nhưng nhìn chung, tăng trưởng nhân sự vẫn là xu hướng chung của ngành ngân hàng khi 19/27 nhà băng ghi nhận sự mở rộng về quy mô nhân sự.
Ngày 11/2/2025, Tạp chí Nhịp sống thị trường đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Một ngân hàng ‘Big4’ cắt giảm hơn 1.100 nhân sự”. Nội dung như sau:
Theo báo cáo tài chính riêng lẻ của 27 ngân hàng niêm yết, tổng số nhân sự tại các nhà băng tính tới thời điểm hết năm 2024 đạt hơn 241.400 người, hơn tăng 5.400 nhân viên so với năm 2023. Số liệu này không bao gồm số lượng nhân sự của Agribank do nhà băng này chưa cập nhật báo cáo tài chính năm 2024 và 5 ngân hàng đang trong diện kiểm soát đặc biệt.
Dẫn đầu về quy mô nhân sự vẫn là nhóm “Big 4”. Cụ thể, BIDV (26.069 nhân viên), Vietcombank (23.538 nhân viên) và VietinBank (22.333 nhân viên). Song, các ngân hàng này chưa phải là “quán quân” về số lượng nhân sự trong hệ thống. Trước đó, tại thời điểm 30/6/2024, Agribank ghi nhận có trên 40.000 cán bộ nhân viên, do mạng lưới chi nhánh rộng khắp, phủ sóng đến cả các vùng nông thôn.
Ở nhóm nhà băng tư nhân, Sacombank đứng đầu với 17.412 nhân viên. Theo sau, VPBank. ACB, VIB, MB… đều có trên 10.000 người.
Dù sở hữu lượng nhân sự nhiều top 5 hệ thống, năm qua, BIDV và Sacombank lại là hai nhà băng ghi nhận sụt giảm về số lượng nhân viên.
Cụ thể, BIDV giảm 1.107 người, VIB giảm 450 người, còn ACB và Sacombank lần lượt cắt giảm 377 và 350 người so với thời điểm cuối năm 2023. Đáng chú ý, tại Sacombank, đây là quy mô nhân sự thấp nhất của nhà băng trong 8 năm qua, dù số lượng nhân viên của ngân hàng vẫn dẫn đầu trong khối tư nhân. 5 năm trở lại đây, thực hiện chiến lược tái cơ cấu và áp dụng số hóa trong hoạt động ngân hàng, Sacombank đã cắt giảm hơn 1.000 nhân sự.
Một số ngân hàng khác cũng chung xu hướng cắt giảm nhân sự như: VIB, TPBank, ABBank, Kienlongbank, Nam A Bank… Việc cắt giảm này có thể đến từ nhiều nguyên nhân như: tái cơ cấu hoạt động, tối ưu hóa chi phí vận hành hoặc áp dụng công nghệ tự động hóa nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nhân sự.
Trái ngược, 19/27 ngân hàng niêm yết năm qua lại có sự tăng trưởng về số lượng nhân sự. MB tăng 1.674 nhân viên, VPBank tăng 1.404 nhân viên, HDBank tăng gần 1.000 người so với cùng kỳ năm ngoái.
Song theo đánh giá của CEO MB Phạm Như Ánh, dù số lượng nhân sự mở rộng, nhà băng vẫn đang tối ưu việc sử dụng nhân sự theo hướng áp dụng công nghệ vào quản trị và vận hành.
“Quy mô của MB đã vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, nhưng ngân hàng chỉ có hơn 11.000 nhân viên. Trong khi đó, các ngân hàng đồng hạng có số lượng nhân viên lớn hơn nhiều. Công nghệ đã giúp MB tăng năng suất lao động liên tục mỗi năm từ 10% đến 15% trong các năm qua”, ông Ánh đánh giá.
So với các nhà băng có quy mô vài chục nghìn nhân sự, một số nhà băng khác cũng đang hoạt động với quy mô nhân sự dưới 2.000 người. Trong đó, Saigonbank có số nhân sự thấp nhất với 1.448 người, tiếp theo là Viet A Bank, PGBank và NCB.
Báo An ninh tiền tệ ngày 10/2 cũng đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Hơn 350 nhân viên ở một ngân hàng lớn nghỉ việc, quy mô nhân sự xuống thấp nhất trong 8 năm”. Nội dung như sau:
![](https://imgv2.blogtamsu.vn/2025/02/11/thumb-w-640-203337114487263232-2025-2-10-avatar1739158884549-17391588847161875894313.jpeg)
Báo cáo tài chính quý 4/2024 cho thấy, quy mô nhân sự Sacombank cuối năm 2024 là 17058 người, giảm tới 351 người so với cuối năm 2023. So với quy mô lớn nhất vào năm 2019, Sacombank đã cắt giảm hơn 1.000 nhân sự trong 5 năm qua.
Trong khi đó, thu nhập bình quân nhân viên Sacombank liên tục tăng qua các năm. Nếu như năm 2020, thu nhập bình quân nhân viên ngân hàng mới ở mức gần 20 triệu đồng/tháng thì năm 2023, 2024 đã đạt trên 30 triệu đồng/tháng.
Trong năm 2024, Sacombank đã chi 6.320 tỷ đồng để trả lương và phụ cấp cho nhân viên, tăng 456 tỷ đồng so với năm 2023, tương đương tăng 7,8%. Trong khi đó, quy mô nhân sự giảm khá mạnh. Theo đó, thu nhập bình quân nhân viên năm 2024 đạt khoảng 30,6 triệu đồng/tháng, cao hơn mức 30 triệu đồng/tháng trong năm 2023.
![](https://imgv2.blogtamsu.vn/2025/02/11/thumb-w-640-203337114487263232-2025-2-10-sacombank-nhan-su-17391595013171543754912.png)
Về thù lao cho lãnh đạo cấp cao, báo cáo cũng cho thấy, Hội đồng quản trị, Ban tổng giám đốc và Ban kiểm soát nhận tổng mức thù lao cho cả năm 2024 là 108 tỷ đồng, giảm 5,6 tỷ đồng so với năm 2023.
Sacombank chi hơn 32,5 tỷ đồng trả thù lao cho các thành viên HĐQT, tăng 2,5 tỷ đồng so với năm trước. Với tổng mức chi này, bình quân 12 tháng mỗi thành viên Hội đồng quản trị nhận hơn 4,6 tỷ đồng, tương đương 387 triệu/người/tháng.
Mặc dù số lượng nhân viên sụt giảm, Sacombank ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2024 của ngân hàng đạt 12.720 tỷ đồng, tăng 32,6% so với năm 2023 và cao nhất từ trước đến nay.
Tổng thu nhập hoạt động của Sacombank trong năm qua đạt 28.677 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2023. Chi phí hoạt động năm 2024 của ngân hàng ở mức 13.982 tỷ đồng, tăng 8,5%. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng ở mức 1.974 tỷ đồng, giảm 46,5% so với năm 2023.
Tại ngày 31/12/2024, tổng tài sản Sacombank đạt 748.094 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cuối năm 2023. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 11,7% lên 539.314 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng đạt 566.882 tỷ đồng, tăng 11%.
Nợ xấu Sacombank tăng 18% trong năm qua lên 12.957 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn ở mức 8.869 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 2,28% (năm 2023) lên 2,4% (năm 2024).