“Làng du lịch tốt nhất thế giới” ngập sâu
Tại Quảng Bình: Chủ tịch UBND xã Tân Hóa Trương Thanh Duẫn cho biết: Rạng sáng 20/9, nước lũ dâng cao gần 2m cô lập hoàn toàn Tân Hóa với bên ngoài. Theo thống kê sơ bộ có hơn 400 nhà dân ở Tân Hóa bị ngập sâu từ 0,5 – 2m. Hiện nước lũ vẫn đang tiếp tục lên và mưa chưa có dấu hiệu dừng lại. Mặc dù bị ngập sâu nhưng Tân Hoá vẫn an toàn nhờ vào sáng kiến “nhà phao”. Với mô hình này, khi nước dâng, nhà sẽ tự động nổi lên theo mực nước, đảm bảo an toàn cho người và tài sản bên trong.
Làng Tân Hóa ngập lụt nhìn từ trên cao |
Nhờ mô hình tránh lũ an toàn mà những năm lại đây, Công ty Du lịch Mạo hiểm Oxalis đã mở tua du lịch trải nghiệm lũ lụt, thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước mỗi khi lũ lụt về Tân Hóa. Tháng 10/2023, làng Tân Hóa, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) vinh danh “Làng du lịch tốt nhất thế giới”, nhờ vẻ đẹp thiên nhiên của núi rừng và phong cảnh bình yên.
Theo Văn phòng Thường trực Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Quảng Bình, tàu hàng Nam Anh 69, của Công ty CP Xây dựng và Dịch vụ thương mại Nam Anh (Nghệ An) đang neo đậu sâu trong sông Gianh tránh bão số 4 thì bị nước lũ cuốn trôi ra biển.
Theo điều tra ban đầu, hiện trên tàu có 6 thuyền viên, do Nguyễn Văn Đức (SN 1978) là thuyền phó chỉ huy; thuyền trưởng xin phép về thăm nhà. Hiện tại con tàu này đang mắc cạn tại cửa sông Gianh (giữa phao số 1 và 2). Lực lượng chức năng đã đề nghị một số tàu kéo neo đậu tại sông hỗ trợ nhưng do nước to, chạy xiết nên các tàu không triển khai được.
Theo thống kê sơ bộ, đến chiều ngày 20/9, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 37 thôn bản bị chia cắt, với hơn 600 ngôi nhà bị ngập lụt. Nặng nhất là huyện Minh Hóa với 23 thôn bản bị chia cắt và 538 ngôi nhà bị ngập lụt.
Có 44 điểm của các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Bình bị sạt lở, chia cắt cục bộ do nước lũ, nơi ngập sâu nhất trên 5m, giao thông bị ngưng trệ. Tỉnh Quảng Bình đã tổ chức sơ tán 874 hộ gia đình, với 3.059 nhân khẩu từ các điểm xung yếu có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn.
Hàng loạt vị trí có nguy cơ sạt lở
Đồn Biên phòng Hướng Lập đảm bảo bữa cơm cho người dân được di dời đến đơn vị ở để tránh sạt lở đất, ngập lụt |
Tại TT-Huế: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế) vừa phát đi cảnh báo các vị trí có nguy cơ rất cao về lũ quét, sạt lở, trôi trượt đất vùng đồi núi, các tuyến giao thông; nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, trên địa bàn hiện có gần 50 điểm nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở, lũ quét, trượt sụt đất đá đồi núi tại các xã Phong Xuân, Phong Mỹ, Phong Sơn, Phong An, Phong Thu, thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền); khu vực dọc tuyến đường 71 từ Phong Xuân đi đến các công trình thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, A Lin B2, A Lin B1 (huyện Phong Điền); khu vực Bốt Đỏ, xã Phú Vinh, xã Lâm Đớt (huyện A Lưới)… Bên cạnh đó, các vị trí dọc tuyến đường Hồ Chí Minh qua xã Hồng Thủy, khu vực UBND xã Quảng Nhâm, các xã Lâm Đớt, A Roàng, Hương Nguyên hướng đi vào tỉnh Quảng Nam, khu vực Đồn Biên phòng Hương Nguyên và trạm kiểm lâm, các vị trí dọc Quốc lộ 49A qua xã Phú Vinh (đèo A Co), Hương Nguyên, Hồng Hạ (huyện miền núi A Lưới)… đều được xác định có nguy cơ rất cao về sạt trượt, trôi lở đất khi xảy ra mưa lớn, lũ quét.
Trước thực trạng nêu trên, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh TT-Huế yêu cầu các đơn vị, địa phương căn cứ vị trí được cảnh báo nhằm bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra, rà soát khu dân cư ven đồi núi, ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt sâu, địa bàn dễ bị chia cắt khi xảy ra mưa lũ. Các địa phương phải cắm biển cảnh báo nguy hiểm ở khu vực sạt lở, các ngầm, tràn, đoạn ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để xử lý gia cố, khắc phục sự cố, đồng thời lưu ý đảm bảo an toàn cho đội ngũ nhân lực được huy động tham gia làm nhiệm vụ chống sạt lở, di dời dân.
Hơn 200 người dân được di dời
Tại Quảng Trị: Ngày 20/9, Đại tá Lê Văn Phương-Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị thông tin, bão số 4 gây mưa to ở tuyến biên giới đất liền tỉnh Quảng Trị vào chiều 19/9. Trước tình hình đó, một số đồn Biên phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tiến hành di dời hàng trăm người dân khỏi vùng nguy cơ ngập, sạt lở; đưa 200 nhân khẩu ở lại các đồn Biên phòng để đảm bảo an toàn.
Mưa to làm mực nước trên sông, suối dâng cao gây ngập các ngầm tràn từ 0,5 đến 2m, chia cắt cục bộ nhiều thôn, bản ở 2 huyện rẻo cao Đakrông và Hướng Hóa. Đặc biệt, các cầu tràn thuộc địa bàn các Đồn Biên phòng Thanh, Ba Tầng, Hướng Lập, Ba Nang, Cửa khẩu Quốc tế La Lay bị ngập gần 2m và nguy cơ xảy ra nhiều điểm sạt lở đất đá. Như ở huyện Hướng Hóa có 45 điểm có nguy cơ sạt lở đất, trong đó 19 điểm có nguy cơ trượt sạt cao. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương di dời hàng trăm hộ dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; tổ chức lập barie, canh gác tại các điểm ngập sâu, sạt lở đất đảm bảo an toàn cho người dân. Tính đến đêm 19/9, hơn 200 người dân trên khu vực biên giới đất liền tỉnh Quảng Trị được di dời đến các đồn Biên phòng tránh trú. Lực lượng Biên phòng đã đảm bảo nơi nghỉ ngơi, ăn uống cho người dân một cách chu đáo nhất, Đại tá Lê Văn Phương cho biết.
Theo Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, để ứng phó với bão số 4 và mưa lớn, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức di dời 1.073 hộ dân với 2.937 nhân khẩu ở các huyện Gio Linh, Hải Lăng, Hướng Hóa, Triệu Phong, Cam Lộ, Đakrông, thị xã Quảng Trị, thành phố Đông Hà đến nơi an toàn. Đến chiều 20/9, toàn bộ người dân đã trở về nhà an toàn.