Trước tình hình dịch bệnh do virus HPPV đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, Việt Nam cũng tập trung theo dõi, giám sát thông tin để có các biện pháp ứng phó kịp thời.

Theo Thông Tấn Xã Việt Nam đưa tin, trong bối cảnh mùa lễ hội sắp tới, Bộ Y tế đã có kế hoạch phòng chống dịch bệnh đầu năm, mùa đông-xuân; gửi về các địa phương để có sự chủ động trong công tác phòng chống dịch.

 

mgid.com, 843937, DIRECT, d4c29acad76ce94f

 

Gần Tết, nhu cầu giao lưu đi lại của người dân rất lớn, dễ làm lây lan dịch bệnh, nhất là tại các cửa khẩu. Ảnh: TTXVN

Không phải là virus mới, nhưng dễ lây lan

Dịch bệnh do virus gây viêm phổi trên người HMPV đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc. Hiện đã có Ấn Độ, Kazakhstan công bố ghi nhận các ca nhiễm virus này. Đáng lo ngại là dịch bệnh do virus HMPV được nhận định là lây lan nhanh, với triệu chứng tương tự như cúm, COVID-19, nguy cơ có thể gây ra một cuộc khủng hoảng y tế khác sau COVID-19.

Theo đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ngay sau khi có thông tin về dịch bệnh này, Cục Y tế dự phòng đã liên hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (tại Việt Nam và khu vực Châu Á Thái Bình Dương) và Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR) của Trung Quốc (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Trung Quốc).

Hiện tại, Tổ chức Y tế Thế giới chưa có thông tin chính thức về tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc, đồng thời chưa xác minh được độ tin cậy, tính chính thống của thông tin trên các kênh truyền thông báo chí và mạng xã hội.

Về loại virus này tại Việt Nam, theo thông tin từ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, virus HMPV không phải là virus mới. Đây từng là một trong số các tác nhân gây viêm hô hấp ở trẻ em, đã được ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh, nhưng chiếm tỷ lệ thấp (12.5% ở trẻ em) so với các tác nhân khác như: Rhinovirus (44,6%) hay virus hô hấp hợp bào RSV (41,1%), hay cúm A (25%).

Virus HMPV từng được phát hiện là một trong những tác nhân gây viêm hô hấp ở trẻ em trong các năm 2023 và 2024. Trong đợt bùng phát các bệnh viêm đường hô hấp trẻ em vào cuối năm 2023 tại TP Hồ Chí Minh, kết quả giám sát cũng ghi nhận tình trạng đa dạng tác nhân virus thường gặp, trong đó tác nhân do virus HMPV cũng được phát hiện, với tỷ lệ 15%.

Các hoạt động đáp ứng ngăn dịch xâm nhập

Đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết: Trên cơ sở các thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, Cục Y tế dự phòng đã chủ động việc theo dõi, giám sát thông tin về diễn biến tình hình mắc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp tại Trung Quốc.

Cục sẽ tiếp tục bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh; phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới, cơ quan đầu mối thực hiện IHR của Trung Quốc để cập nhật thông tin và chủ động cung cấp, chia sẻ thông tin đầy đủ, chính xác, không để xảy ra tâm lý hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, cũng không chủ quan, lơ là trước các diễn biến của tình hình dịch bệnh; nhất là trong giai đoạn mùa đông xuân hiện nay, với điều kiện thời tiết thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan.

Trước đó, ngày 16/12/2024, Cục Y tế dự phòng đã có công văn số 1432/DP-DT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố để chủ động công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong mùa đông xuân.

Theo các chuyên gia, để ngăn dịch bệnh xâm nhập, cần tiếp tục các hoạt động giám sát dịch tễ nội địa, bao gồm giám sát số ca viêm hô hấp, số ca viêm hô hấp cấp tính nặng nhập viện, giám sát các tác nhân gây viêm hô hấp và giám sát các sự kiện như phát hiện chùm ca bệnh trong trường học, nhà máy, cộng đồng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Về việc chủ động giám sát các bệnh xâm nhập từ nước ngoài, TS. Trần Đại Quang, Phó phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: “Đối với các dịch bệnh chưa rõ nguyên nhân, hoặc có nguy cơ xâm nhập từ nước ngoài; Bộ Y tế luôn có 2 kênh theo dõi: Thông qua các mạng lưới đầu mối thực hiện điều lệ y tế quốc tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khi có bất kỳ thông tin nào liên quan đến dịch bệnh, chúng ta sẽ nhận được thông tin ngay; và theo dõi qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, giám sát dựa vào sự kiện để bám sát ngay từ các thông tin ban đầu, kể cả tin đồn”.

Theo TS. Trần Đại Quang, với các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ xảy ra, Bộ Y tế vẫn đang theo dõi, giám sát thường xuyên. Khi có bất kỳ diễn biến mới nào, đặc biệt có nguy cơ xâm nhập, ngành Y tế sẽ kích hoạt hệ thống kiểm dịch y tế, sẽ có các biện pháp kiểm soát ngay tại cửa khẩu, kiểm soát trước khi các hành khách nhập cảnh vào nội địa. Điều này giúp Việt Nam luôn chủ động trước các dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập vào trong nước.

Trong bối cảnh mùa lễ hội sắp tới, Bộ Y tế đã có kế hoạch phòng chống dịch bệnh đầu năm, mùa đông-xuân; gửi về các địa phương để có sự chủ động trong công tác phòng chống dịch.

Giai đoạn hiện nay, khí hậu lạnh, dễ lây lan các bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây lan qua đường hô hấp; Bộ Y tế đã có các kế hoạch chủ yếu tập trung giám sát các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, các ca bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp… Không chỉ riêng ngành Y tế, trong phòng chống dịch, cần sự phối hợp của các ngành khác thường xuyên như: Ngành Nông nghiệp thông tin về các ổ dịch trên gia cầm, động vật; tại các cửa khẩu, các chợ gia cầm… để có thông tin sớm, có sự chủ động; Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp trong kiểm soát lây lan dịch bệnh trong trường học…

Theo đó, người dân cũng cần thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng bệnh; thường xuyên cập nhật các khuyến cáo từ Bộ Y tế để nếu có các dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm, cần kịp thời có thông báo với ngành y tế để có biện pháp xử lý, tránh lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, để các biện pháp phòng bệnh đi vào cộng đồng, dễ nhớ, dễ làm cần nâng cao công tác truyền thông, cập nhật các hướng dẫn để truyền tải đến người dân.

Cập nhật tình hình dịch bệnh do virus HMPV, báo Lao động ngày 9/1 đưa tin: “WHO xác nhận HMPV không phải là loại virus mới”.

Cụ thể, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng trấn an về dịch bệnh hô hấp do virus HMPV gây ra ở Trung Quốc.

WHO xác nhận HMPV ở Trung Quốc không phải là virus mới. Ảnh: Xinhua

WHO xác nhận trong cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền Hoàn cầu Thời báo ngày 8.1 rằng HMPV không phải là loại virus mới.

Khi các bệnh hô hấp bước vào mùa cao điểm trong mùa đông, nhiều phương tiện truyền thông nước ngoài đã thổi phồng thông tin về sự gia tăng các ca nhiễm virus HMPV (Human Metapneumovirus) tại Trung Quốc, cho rằng tình trạng này đã khiến các bệnh viện tại đây quá tải. Tuy nhiên, WHO khẳng định, HMPV không phải là virus mới, mà là một loại virus phổ biến, thường gây ra các triệu chứng tương tự như cảm lạnh thông thường.

WHO xác nhận tình hình trong tầm kiểm soát

Theo WHO, mức độ nhiễm trùng đường hô hấp tại Trung Quốc vẫn nằm trong phạm vi bình thường của mùa đông. Dữ liệu từ các cơ quan y tế Trung Quốc cho thấy, tỉ lệ sử dụng bệnh viện hiện tại thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và chưa có bất kỳ tuyên bố hoặc phản ứng khẩn cấp nào được kích hoạt.

Trong những ngày gần đây, các hãng tin như CNN, BBC và Washington Post đã đưa tin về sự gia tăng ca nhiễm HMPV tại Trung Quốc, thậm chí so sánh với đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, WHO bác bỏ những lo ngại này, khẳng định rằng các loại mầm bệnh gây nhiễm trùng đường hô hấp được phát hiện tại Trung Quốc, bao gồm HMPV, cúm mùa, RSV, và SARS-CoV-2, đều là các tác nhân đã biết.

HMPV không mới, nhưng cần cảnh giác

HMPV được phát hiện lần đầu vào năm 2001 và đã lưu hành trong cộng đồng hơn 60 năm qua. Virus này thường xuất hiện vào mùa đông và mùa xuân, gây ra các triệu chứng giống cảm lạnh. Trong một số trường hợp, nó có thể dẫn đến viêm phế quản hoặc viêm phổi, đặc biệt ở trẻ em, người cao tuổi, và những người suy giảm miễn dịch.

Theo Li Tongzeng, trưởng khoa nhiễm trùng tại Bệnh viện You\’an Bắc Kinh, nhận thức về HMPV tại Trung Quốc đã tăng đáng kể trong hai năm qua, phần lớn nhờ vào sự cải thiện công nghệ xét nghiệm mầm bệnh đường hô hấp và sự chú ý cao hơn của công chúng đối với các bệnh truyền nhiễm.

WHO xác nhận HMPV không phải là loại virus mới. Ảnh: VCG

Hệ thống giám sát và năng lực y tế được nâng cao

Sau đại dịch COVID-19, công nghệ xét nghiệm axit nucleic đã được phổ biến rộng rãi tại Trung Quốc, giúp tăng cường khả năng phát hiện các loại virus như HMPV. Hơn nữa, mạng lưới các bệnh viện giám sát (sentinel hospitals) đã được thiết lập để theo dõi các mầm bệnh đường hô hấp, cung cấp dữ liệu thường xuyên về tình hình dịch tễ.

Dịch cúm mùa tăng nhẹ, nhưng trong tầm kiểm soát

Cúm mùa hiện là loại mầm bệnh phổ biến nhất tại Trung Quốc, với hơn 99% ca nhiễm thuộc chủng cúm A, đặc biệt là A(H1N1)pdm09. Hoạt động cúm đang gia tăng tại Bắc bán cầu, bao gồm các khu vực ở châu Á, châu Âu và một số quốc gia vùng Caribe.

Dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) cho thấy, mức độ nhiễm cúm tại các tỉnh phía Bắc tăng rõ rệt nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Các phương pháp y học cổ truyền Trung Quốc cũng được khuyến nghị để phòng ngừa cúm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *