Tính đến ngày 27/9, bão số 3 và mưa lũ sau bão khiến 344 người chết, mất tích; 1.976 người bị thương; tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu trên 81.503 tỷ đồng
Sáng 28/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bão số 3 (Yagi) là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt chưa từng có trong rất nhiều năm qua ở khu vực Bắc Bộ; xảy ra gần như đồng thời các loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm như bão rất mạnh, lũ lớn, đặc biệt lớn; ngập lụt và lũ quét, sạt lở đất xảy ra trên diện rộng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tình đến ngày 27/9, bão số 3 và hoàn lưu sau bão làm 344 người chết, mất tích (318 người chết, 26 người mất tích); 1.976 người bị thương.
Trong đó, tỉnh thiệt hại nặng nề nhất về người là Lào Cai với 151 người (132 người chết; 19 người mất tích). Tiếp đó là các tỉnh: Cao Bằng 57 người (55 người chết; 2 người mất tích); Yên Bái 54 người chết; Quảng Ninh 29 người chết…
Thiên tai cũng khiến 281.966 nhà bị hư hỏng, tốc mái và 112.034 nhà bị ngập.
Về nông nghiệp, 284.472 ha lúa cùng 61.114 ha hoa màu bị ngập úng; 39.188 ha cây ăn quả hư hại; 189.982 ha rừng bị thiệt hại; 35.029 ha và 11.832 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 44.174 con gia súc, 5.604.587 con gia cầm chết.
Thống kê của cơ quan chức năng cũng nêu rõ có 3.755 điểm trường và 852 cơ sở y tế bị ảnh hưởngi; 2.211 công trình thủy lợi và 1.306 công trình nước sạch hỏng hóc…
“Tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu trên 81.503 tỷ đồng. Tính riêng thiệt hại ước tính cho các lĩnh vực về sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp) là trên 30.800 tỷ đồng (chiếm khoảng 38% tổng thiệt hại về kinh tế)“, báo cáo nêu.
Cụ thể, Quảng Ninh 24.876 tỷ đồng; Hải Phòng 12.249 tỷ đồng; Lào Cai 6.687 tỷ đồng; Yên Bái 5.738 tỷ đồng; Hòa Bình 1.065 tỷ đồng; Cao Bằng 880 tỷ đồng; Lạng Sơn 900 tỷ đồng; Tuyên Quang 1.350 tỷ đồng; Thái Nguyên 859 tỷ đồng; Bắc Giang 5.000 tỷ đồng; Phú Thọ 1.588 tỷ đồng; Hải Dương 7.498 tỷ đồng; Hưng Yên 3.637 tỷ đồng; Bắc Ninh 1.200 tỷ đồng, Thái Bình 1.479 tỷ đồng; Nam Định 1.142 tỷ đồng…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện các địa phương đang tiếp tục rà soát, đánh giá và cập nhật thống kê thiệt hại.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết với tinh thần làm việc cả ngày Thứ Bảy vì đồng bào bão lũ, thiên tai, Chính phủ tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Từ đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Thủ tướng nêu rõ, bão số 3 và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại rất lớn về người, tài sản, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống và tinh thần của Nhân dân.
“Hậu quả và những ảnh hưởng của cơn bão là hết sức nặng nề. Thiệt hại về người rất lớn, nhiều người mất tích vẫn chưa được tìm thấy, gây sang chấn tinh thần của một bộ phận nhân dân. Nhiều gia đình vẫn phải ở trong những nơi ở tạm, nhiều bản làng phải rất lâu mới có thể trở lại bình thường“, Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, theo người đứng đầu Chính phủ, nhiều công trình hạ tầng cầu, đường…bị sập đổ đang được khắc phục để duy trì giao thông thông suốt cho người dân; hạ tầng điện, nước, sóng được khẩn trương khôi phục. Hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, lực lượng Quân đội đang tích cực xây dựng cầu phao tại khu vực cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập.
Nhiều chính sách của Chính phủ đang được tích cực thực hiện để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng thiên tai đã phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại; đồng thời nhận được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội, đồng bào và doanh nghiệp trên cả nước.
Anh Nhật