Vợ chồng Đoàn Di Băng từng là quản lý cấp cao của Công ty TNHH TM Lô Hội đã rất nổi tiếng với thế hệ 8x, 9x qua việc “lùa gà” vào hệ thống kinh doanh đa cấp bán các sản phẩm chức năng giá “cắt cổ”.

Vị trí của vợ chồng Đoàn Di Băng ở đa cấp Lô Hội

Trong làn sóng phản ứng của cộng đồng mạng liên quan đến các dự án, phát ngôn của vợ chồng Đoàn Di Băng, nhiều người cho biết cặp đôi trong quá khứ đã từng dính líu đến một công ty đa cấp, chuyên “lùa gà”, bán sản phẩm với giá đắt “cắt cổ”.

Theo tìm hiểu, doanh nhân Nguyễn Quốc Vũ và vợ Đoàn Di Băng được biết đến từng là quản lý cấp cao tại Công ty TNHH Thương mại Lô Hội. Tại những buổi hội thảo của Lô Hội, vợ chồng này luôn được mời lên phát biểu, khoe khoang về doanh số khủng và kêu gọi những nhà bán hàng khác tham gia vào hệ thống.

Ảnh cắt từ đoạn clip tại sự kiện của công ty Lô Hội với sự góp mặt của vợ chồng Đoàn Di Băng, và bà Bà Trương Thị Nhi.

Ở một sự kiện, Đoàn Di Băng đã tự tin chia sẻ: “Mọi người đều nói Băng bán hàng rất giỏi, tuy nhiên, thực sự Băng không thể bán hàng giỏi nếu sản phẩm của chúng ta không chất lượng”.

Ngay sau khi những hình ảnh, video của cặp đôi này được đăng tải lên các trang mạng xã hội, hàng loạt các thế hệ 8x, 9x đời đầu đều nhận ra thương hiệu của Công ty Lô Hội, và bày tỏ sự phẫn nộ.

Doanh nhân Nguyễn Quốc Vũ cùng vợ Đoàn Di Băng nổi tiếng trên mạng xã hội khi sở hữu nhà biệt thự, siêu xe, cuộc sống đáng mơ ước… Song nguồn gốc khối tài sản kếch xù của gia đình họ vẫn là một dấu hỏi lớn.

Một bạn đọc chia sẻ: “Nhiều lúc thắc mắc sao vợ chồng Đoàn Di Băng giàu vậy, hóa ra trong quá khứ đã từng tham gia bán hàng đa cấp với Lô Hội”. Một người khác bức xúc: “Giấc mơ nước Mỹ của doanh nhân Nguyễn Quốc Vũ vẽ ra đã khiến bao sinh viên lầm đường lạc lối, đẩy nhiều gia đình vào thế nợ nần, bán sạch tài sản” …

Đáng chú ý, khác với phản ứng nhanh nhảu đáp trả mỗi khi bị đàm tiếu, lần này, vợ chồng Đoàn Di Băng lựa chọn phương án im lặng.

Theo khảo sát, hệ thống bán hàng đa cấp của Lô Hội đã quảng cáo, kêu gọi bán hàng với mức hoa hồng hấp dẫn.

Thông thường, người bán hàng sau 2 tháng được thăng hạng lên trợ lý giám sát sẽ được nhận hoa hồng cá nhân 7% trên giá trị sản phẩm.

Sau khi lôi kéo, mở rộng thêm các tầng bán hàng, nhóm bán hàng bên dưới, người trợ lý giám sát sẽ được nâng lên vị trí giám sát, với mức hoa hồng được nhận là 11%. Tiếp tục mở rộng, hoàn thành các KPI nhóm, người bán hàng sẽ được thăng tiến lên cấp trợ lý quản lý với hoa hồng là 18% và vị trí quản lý với hoa hồng là 25%. Đối với vị trí quản lý cấp cao, mặc dù không có thông tin về mức hoa hồng cụ thể, song con số có thể lên hơn 30%.

Thậm chí, nếu trong mạng lưới phía dưới của vị trí quản lý, có người được thăng lên hạng cao, mức hoa hồng sẽ còn được tăng thêm nữa.

Đa cấp Lô Hội – vẫn “chứng nào tật nấy”

Công ty TNHH Thương mại Lô Hội được thành lập vào năm 2001, trụ sở chính tại 193/11 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Doanh nghiệp hiện có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: Bà Trương Thị Nhi (Chủ tịch Hiệp hội Bán hàng Đa cấp Việt Nam) nắm 98,72%, Nguyễn Thị Thuỳ Dương nắm 1,28%.

Được biết, Bà Trương Thị Nhi đã tái đắc cử, và hiện đóng vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Bán hàng Đa cấp Việt Nam (nhiệm kỳ 2020-2025).

Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Lô Hội là bà Trương Võ Hoàng Ý (SN 1992).

 

Công ty Lô Hội cho biết doanh nghiệp là nhà nhập khẩu và phân phối độc quyền các sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm mang thương hiệu Forever Living Products của Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Trụ sở của Công ty TNHH Thương Mại Lô Hội. Ảnh: Internet.

Dù tự tin bán sản phẩm xịn từ Mỹ với “người đỡ đầu” là Chủ tịch Hiệp hội Bán hàng Đa cấp Việt Nam, song Lô Hội cũng đã bị thanh tra và xử phạt nhiều lần.

Theo đó, năm 2006, Đoàn thanh tra do Sở Thương mại TP.HCM đã công bố kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật của Công ty TNHH TM Lô Hội với nhiều sai phạm.

Kết luận của thanh tra cho biết, các sản phẩm đa cấp của Công ty Lô Hội có giá bán cao gấp nhiều lần so với giá mua, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Cụ thể, mặt hàng Sonya Mascara của Canada có giá vốn gần 15.000 đồng, giá bán sỉ của Công ty Lô Hội là 171.000 đồng, cao gấp 11,52 lần; giá bán lẻ lên tới 244.000 đồng, cao gấp 15,1 lần so với giá vốn. Viên bổ sung dinh dưỡng Forever Bee Pollen của Hoa Kỳ có giá gốc chỉ hơn 3.000 đồng nhưng giá bán sỉ lên tới 244.000 đồng, cao gấp 75 lần; giá bán lẻ còn “kinh khủng” hơn, cao gấp 117,39 lần, lên tới 348.000 đồng…

Một trong những vi phạm nghiêm trọng khác là cho người nước ngoài tổ chức kinh doanh dịch vụ tại Công ty Lô Hội. Các nhà tư vấn quốc tế và tư vấn tài chính của Công ty Lô Hội đã thực hiện các hoạt động cung ứng dịch vụ thương mại vì mục đích sinh lợi tại Việt Nam mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không có giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Đoàn thanh tra cũng kết luận, Lô Hội có hành vi nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa không đạt chất lượng, vi phạm pháp lệnh chất lượng hàng hóa. Trong quá trình hoạt động, cũng đã có không ít người tiêu dùng phản ánh, tố cáo Lô Hội đến các cơ quan chức năng về các nội dung quảng cáo sản phẩm phóng đại lừa dối người tiêu dùng, giá quá cao mà tác dụng không như quảng cáo…

Đáng chú ý, theo ghi nhận của phóng viên, dù đã bị thanh tra và phát hiện bán giá sản phẩm “trên trời”, nhưng hiện tại giá của những mặt hàng trên không giảm mà còn tăng hơn rất nhiều như mặt hàng viên bổ sung dinh dưỡng Forever Bee Pollen hiện được bán lẻ với giá 568.818 đồng (chưa bao gồm VAT).

Trong giai đoạn 2018-2020, Công ty Lô Hội cũng đã bị nhắc tên vì hành vi nợ thuế. Tính đến cuối tháng 1/2020, doanh nghiệp này đã nợ thuế lên tới 106 tỷ đồng.

Mới nhất, vào tháng 5/2024, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, với nhiều vi phạm pháp luật về kinh doanh đa cấp, Công ty TNHH Thương mại Lô Hội đã bị xử phạt hành chính 220 triệu đồng.

Trong đó bao gồm các hành vi: Không thực hiện đúng trách nhiệm sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định; hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương khi chưa được sở Công thương cấp xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương; thực hiện không đúng nghĩa vụ báo cáo trong hoạt động bán hàng đa cấp tới cơ quan quản lý nhà nước theo quy định pháp luật, không thực hiện đúng quy tắc hoạt động đã đăng ký; không thực hiện đúng quy định xuất hóa đơn theo từng giao dịch bán hàng cho từng người tham gia bán hàng đa cấp hoặc khách hàng mua hàng trực tiếp.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *