Người cha 75 tuổi hàng ngày đi khắp các con đường trong thành phố, thậm chí lục tung thùng rác để mang về nhà. Ví dụ một tấm bảng tên công ty, người khác thấy nó vô dụng nhưng với ông lại rất đẹp.
Tôi từng đọc được trên VNE một câu chuyện rất đáng suy ngẫm về sự bảo bọc của cha mẹ đối với con cái. Đó là về người đàn ông nước ngoài có tên là Choi. Hiện tại, ông đang sống cùng vợ và con trai ngoài 40 tuổi tại tỉnh Gwangju (Hàn Quốc). Họ ở trong một căn nhà hai tầng, khắp nơi để toàn rác.
Những người hàng xóm cho hay gia đình ông Choi đã sống như vậy cả chục năm. “Cũng có khuyên nhủ nhiều lần nhưng ông ấy vẫn thích nhặt. Ông ta bảo đó là niềm vui duy nhất, nên không ai ngăn cản nữa”, một người sống cạnh bên cho biết.
Hơn một năm nay, cậu con trai 40 tuổi chưa bước chân ra ngoài trời. Cả ngày, anh chỉ ngồi khoanh chân trong phòng, chưa bao giờ quan tâm tới mọi việc xung quanh. Hằng ngày, cả 3 người ăn cơm từ một chiếc nồi cơm điện, thức ăn, canh rau đều nấu từ chiếc nồi đó.
Gần đây, khi 2 vợ chồng được một tổ chức từ thiện đưa đi khám sức khỏe thì phát hiện bà Choi bị tim, càng ngày càng yếu. Việc bác sĩ chỉ định cần phải phẫu thuật gấp khiến ông Choi suy sụp. Lúc này người chồng mới nhận ra nếu vợ mình được sống trong môi trường trong lành hơn, bệnh tình không tiến triển xấu đến thế.
Để giúp cặp vợ chồng này, một chương trình truyền hình tại Hàn Quốc đã tình nguyện dọn dẹp lại căn nhà hai tầng của ông bà. Một chiếc máy xúc được huy động để dọn toàn bộ 150 tấn rác từ trong nhà ra ngoài sân.
Hai vợ chồng cụ ông phải gồng gánh cậu con trai 40 tuổi (Ảnh:163.com)
Nhưng trước khi dọn dẹp, anh con trai không muốn rời khỏi phòng, nói rằng chỉ cần dọn dẹp sân trước và phòng tắm. Tại sao phải quét dọn toàn bộ ngôi nhà? Sau một hồi thương lượng, người đàn ông này cũng chịu ra khỏi phòng. Đây là lần đầu tiên anh ta nhìn thấy mặt trời trong một năm. Trước khi đi, anh vẫn không quên dặn dò: “Dọn dẹp là được rồi, đừng vứt những thứ cần thiết”.
Thời điểm này ông Choi mới nói sự thật vì sao bản thân lại mang rác về nhà nhiều năm qua. “Con trai tôi chỉ thích ở nhà mà không ra ngoài kiếm việc khiến hai vợ chồng lo lắng. Chỉ sợ sau này vợ chồng tôi mất đi, nó không có nơi nương tựa nên hy vọng tích trữ được thêm đồ ở nhà, càng nhiều càng tốt“, người đàn ông 75 tuổi nói.
Không chỉ ông Choi, vợ ông cũng nhiều lần nhắc nhở con trai ra ngoài làm việc kiếm tiền nhưng anh đều từ chối, chỉ ở nhà dựa vào đồng lương hưu của bố mẹ. Khi dắt tay vợ từ viện về nhà, người đàn ông 75 tuổi bật khóc vì căn nhà gọn gàng sạch sẽ. Choi cho hay, ông chưa bao giờ sống trong một ngôi nhà sạch đẹp như vậy. “Vì tương lai và sức khỏe của vợ, tôi sẽ thay đổi”.
Ngẫm mà chua chát và xót xa quá, nếu phân định cho đúng sai thì vợ chồng ông Choi nhà có cả hai. Thương họ vì nghèo và khổ, phải kiếm kế sinh nhai. Nhất là cụ ông đã ở tuổi 75, chẳng biết làm gì ngoài việc nhặt ve chai, dự trữ đồ đạc đem đi bán dần. Dù sao, ông cũng là một người chồng, người cha, người đàn ông có trách nhiệm với gia đình cho tới hơi thở cuối cùng. Hình ảnh và tấm gương ấy đâu phải ai cũng làm được.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, đã sống cùng cộng đồng thì phải biết tôn trọng tập thể, dù bản thân có vất vả và bi đát cỡ nào, cũng không thể lấy đó làm lý do để bao che, viện cớ. Như cụ ông nói trên, dù được hàng xóm nhắc nhở nhiều lần vẫn không thay đổi. Hậu quả là khiến bệnh tình của vợ diễn biến nặng và người con trai sức dài vai rộng ngày càng ỷ lại.
Tục ngữ Việt Nam có câu “Cá chuối đắm đuối vì con” để ám chỉ việc các bậc cha mẹ dốc hết tiền của, tinh thần và sức lực của mình vào con mà không một lời oán thán hay hối hận. Thế nhưng, cha mẹ chỉ nên là người chỉ dạy, không phải chỉ đạo đời con, chỉ nên là người hướng dẫn chứ đừng bao bọc chở che bởi hậu quả của nó vô cùng khó lường.
Càng ngẫm lại càng ngao ngán cho những thanh niên 30-40 tuổi chẳng làm gì, chỉ biết ăn bám gia đình, không yêu đương hò hẹn, không có kỹ năng mềm với cuộc sống. Nếu không tập trung và tập trung hơn nữa, bạn sẽ đi qua tuổi “đỉnh dốc” của đời người mà chẳng có gì, vài năm nữa và nhiều năm nữa sẽ rất ân hận.