Qua vụ việc này, nhiều người cho rằng đây là bài học nghiêm khắc cho các bậc phụ huynh.
Báo Đời sống & Pháp luật ngày 01/02/2025 đưa thông tin với tiêu đề: “SHOCK nhất Douyin: Một cú nổ lớn vang lên, “trẻ con có biết gì đâu” khiến bố mẹ đối mặt với khoản bồi thường hơn 3,5 tỷ đồng!” cùng nội dung như sau:
Vào dịp Tết, đốt pháo là một hoạt động truyền thống khá được yêu thích. Tuy nhiên, hành động này thường đi kèm với nhiều rủi ro cháy nổ nếu không được theo dõi, kiểm soát cẩn thận, đặc biệt là khi liên quan đến trẻ con. Nhiều đứa trẻ nghịch ngợm chưa nhận thức được sự nguy hiểm của pháo nổ, dẫn đến việc ném pháo bừa bãi gây ra những hậu quả khó lường.
Mới đây, vào ngày 30/1 (tức mùng 2 Tết Ất Tỵ 2025), tại Tứ Xuyên (Trung Quốc), một bé trai lớp 2 đã ném pháo vào một bể phốt trong khu vực sinh sống, khiến khí metan bên trong phát nổ. Vụ nổ làm ảnh hưởng đến nhiều ô tô đỗ gần đó, một số xe bị lật tung, hiện trường trở nên hỗn loạn. Cảnh sát nhanh chóng có mặt tại hiện trường và giữ cậu bé lại để điều tra. May mắn, không có ai bị thương trong vụ việc này.
Theo truyền thông Trung Quốc, vụ việc xảy ra tại bãi đỗ xe của Công ty Đường sắt Trung Quốc trên đường Xuân Lam Bắc, trấn Thủy Nam, huyện Tư Trung, thành phố Nội Giang, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Bãi đỗ xe này có nhiều ô tô sang trọng của những người về quê đón Tết. Hình ảnh từ camera giám sát của một cửa hàng gần đó cho thấy, trước khi vụ nổ xảy ra, một bé trai tiểu học đã ngồi xổm giữa các xe, châm lửa đốt pháo rồi ném xuống miệng cống trước khi nhanh chóng bỏ chạy khỏi hiện trường.
Hiện trường vô cùng lộn xộn sau cú nổ lớn.
Chỉ trong chưa đầy 5 giây, một tiếng nổ lớn vang lên, nắp cống bị hất tung, đất đá văng tứ phía. Một chiếc SUV Lincoln đỗ ngay cạnh miệng cống bị hất lật ngửa, bốn bánh chổng lên trời. Gương chiếu hậu của chiếc Audi A8 gần đó bị thổi bay thành từng mảnh, trong khi thân xe Lexus bị hư hại nghiêm trọng, kính sau vỡ vụn hoàn toàn.
Những chiếc xe bị hư hại do vụ nổ hầu hết đều là xe sang như Lincoln, Lexus, Audi…
Nhiều ô tô tại hiện trường bị ảnh hưởng, còi báo động kêu inh ỏi, khiến toàn bộ cư dân xung quanh hoảng loạn và nhanh chóng, họ đã báo cảnh sát. Nhiều người vội vàng chạy ra để di chuyển xe khỏi khu vực nguy hiểm. May mắn thay, vào thời điểm xảy ra vụ nổ, một phụ nữ vừa đi ngang qua và cậu bé cũng đã kịp rời khỏi hiện trường, không ai bị thương.
Tuy nhiên, thiệt hại về tài sản là không hề nhỏ. Chi phí sửa chữa các phương tiện lên đến hàng trăm nghìn nhân dân tệ, chưa kể đường phố và hệ thống cống ngầm cũng bị hư hại nghiêm trọng, ước tính tổng chi phí khắc phục có thể lên đến gần 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 3,5 tỷ đồng).
Đất đá văng tung tóe khắp nơi.
Sau khi một lượng lớn cảnh sát có mặt tại hiện trường, họ nhanh chóng dựng rào chắn để kiểm soát tình hình. Dù một người phụ nữ nghi là mẹ của cậu bé ném pháo liên tục giải thích với cảnh sát, nhưng cậu bé vẫn bị đưa về đồn. Cậu bé ngơ ngác ngồi lên xe cảnh sát và theo lực lượng chức năng về đồn để điều tra.
Các video liên quan đã nhanh chóng lan truyền trên mạng, mặc dù nhiều người cảm thấy cậu bé còn quá nhỏ để chịu trách nhiệm về hành động của mình, nhưng họ vẫn kêu gọi chính quyền không nên bỏ qua vụ việc. Nhiều người bình luận rằng đây là một bài học nghiêm khắc cho các bậc phụ huynh, cho thấy sự thiếu sót trong việc giáo dục con cái, đặc biệt là về những vấn đề quan trọng như an toàn khi tiếp xúc với các vật dụng dễ cháy nổ.
Cậu bé được đưa về đồn để điều tra.
Các bậc phụ huynh cần nhận thức rõ ràng rằng việc để trẻ em tiếp xúc với pháo hoặc các vật liệu dễ gây cháy nổ không chỉ là một hành động nghịch ngợm mà có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, không chỉ cho chính chúng mà còn cho những người xung quanh. Một đứa trẻ khi chưa đủ nhận thức sẽ không hiểu hết được sự nguy hiểm tiềm ẩn, do đó, nhiệm vụ của người lớn là phải dạy bảo con cái cách nhận diện và tránh xa những nguy cơ đó.
“Chúng ta phải dạy cho trẻ em về các chất cháy nổ, về tác hại của việc tiếp xúc với những vật liệu nguy hiểm. Đây không chỉ là vấn đề giáo dục mà còn là bảo vệ sự an toàn cho chính các em”… Những bình luận này phản ánh sự lo ngại về việc thiếu sự giám sát và hướng dẫn của phụ huynh đối với những hành động tưởng chừng như vô hại của trẻ em, nhưng lại có thể gây ra những thiệt hại không thể lường trước.
Trước đó, báo Dân trí ngày 02/09/2021 cũng có bài đăng với thông tin: “Bí ẩn vụ nổ lớn nhất lịch sử, có phải thông điệp từ vũ trụ?”. Nội dung được báo đưa như sau:
Vào khoảng 7h17 sáng 30/5/1908, những cư dân thưa thớt ở vùng Krasnoyarsk Krai tỉnh giấc nhìn thấy một cột ánh sáng xanh chói lòa như mặt trời di chuyển ngang bầu trời. Rồi họ nghe thấy một tiếng nổ kinh khủng, những cơn chấn động di chuyển ngang qua khu vực đã xé vỡ cửa kính, khiến người đi bộ ngã nhào trên mặt đất.
Vụ nổ Tunguska xảy ra được coi là mạnh nhất từng được ghi nhận trong lịch sử, với khối năng lượng được giải phóng ước tính gấp tới 185 lần quả bom nguyên tử thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Thậm chí, một loạt rung chấn mạnh còn được ghi nhận ở những nơi cách rất xa, như nước Anh.
Đầu thế kỷ 20, tầm hiểu biết của con người về cách tác động của các thiên thạch trong khí quyển Trái Đất còn khá khiêm tốn. Vì sự hạn chế đó, cũng như số lượng dữ liệu khoa học ít ỏi về sự kiện Tunguska do chính sách giữ bí mật của Xô Viết trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, nên sự kiện này vẫn còn là một bí ẩn.
Cùng với đó, nhiều giả thuyết về giải thích sự kiện Tunguska đã được đưa ra, và cũng có độ tin cậy rất khác nhau.
Hiện vẫn chưa rõ liệu sự kiện Tunguska là do sao chổi hay tiểu hành tinh gây ra (Ảnh mô phỏng trên máy tính). Nguồn: SPL
Cây đổ sau vụ nổ Tunguska. Ảnh chụp từ cuộc khảo sát của Kulik năm 1927.
Trong giới khoa học, nguyên nhân hàng đầu giải thích sự kiện là vụ nổ trên không của một thiên thạch khi nó cách bề mặt Trái đất khoảng từ 6 -10km. Đây có thể là một sao chổi thiên thạch, thành phần chủ yếu gồm băng và bụi.
Bởi vậy, nó đã hoàn toàn bốc hơi sau khi va chạm vào khí quyển Trái Đất và không để lại dấu vết rõ ràng nào. Giả thuyết sao chổi càng được ủng hộ thêm khi trong nhiều đêm sau vụ nổ trên toàn châu Âu đều có bầu trời đêm sáng rực, rõ ràng do bụi phân tán trên tầng cao khí quyển gây ra. Hơn nữa, phân tích những mẫu lấy từ vùng này cho thấy chúng chứa nhiều vật chất sao chổi.
Nhiều giả thuyết khác về vụ nổ, như xảy ra do một hố đen “nhỏ” đi ngang qua Trái đất, sự phản vật chất, bom H tự nhiên, nổ khí mêtan, điện từ, vật thể bay không xác định… cũng được đưa ra, nhưng chưa đủ chặt chẽ để đi tới kết luận cuối cùng.
Vụ nổ Tunguska giống như một vụ án mà những nhà điều tra có thể tưởng tượng ra nhiều kịch bản. Tất cả các kịch bản đều có vẻ có lý nhưng đều không cách nào tìm ra bằng chứng cuối cùng chứng minh. Điều này làm cho sự kiện Tunguska càng trở nên huyền bí hơn.